Singapore là đất nước với diện tích rất nhỏ nhưng được quy hoạch hợp lý nên hệ thống giao thông rất thuận tiện đáp ứng được mọi nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Bên cạnh đó, khi đến Singapore, du khách còn thấy được nơi đây có văn hóa giao thông rất tuyệt vời.
Đường sá thông thoáng, sạch đẹp
Những người làm đường ở đây rất "siêng" vẽ vạch. Ngay cả những con đường trong hẻm sâu vẫn có vạch rõ và đầy đủ. Đường sá nói chung rất thông thoáng, sạch đẹp, không có gì phải nói. Biển báo cũng rõ ràng, đặc biệt là một số biển báo kiểu như "xe rẽ phải thì chuyển làn phải" để nhắc nhở lái xe trước khi đến giao lộ.
Đèn giao thông hầu như không có đếm giây như ở Việt Nam, có lẽ vì đèn vàng hoạt động đúng chức năng nên chưa thấy ai vượt đèn đỏ, cùng lắm chỉ lấn vạch rồi dừng.
Các đường một chiều thì xe được phép đậu ở hai bên đường và có vẽ ô cho các xe đậu, khỏi ai chiếm chỗ của ai. Có một điều thú vị là xe nào đậu cũng để một loạt giấy bấm lỗ ở trên táp lô, chắc là vé đậu xe, tự đậu tự bấm lỗ. Hầu như không ai gập gương lại, kể cả đậu ngắn hạn hay qua đêm.
Hệ thống giao thông công cộng hiện đại nhất khu vực
Hệ thống giao thông tại Singapore tương đối hoàn chỉnh và khép kín với tổng chiều dài trên 3.000 km. Chính phủ Singapore đã xây dựng một hệ thống giao thông tích hợp kết nối giữa rất nhiều phương tiện như tàu điện, xe bus và taxi nhằm tạo nên một mạng lưới vận tải liền mạch. Nhờ những định hướng đúng đắn này mà hệ thống giao thông công cộng của Singapore được đánh giá là tiện dụng, thoải mái và tin cậy. Bảng xếp hạng cơ sở hạ tầng của hãng Mercer xếp Singapore đứng đầu bảng so với 49 thành phố khác trong khi khảo sát của Gallup cho thấy người dân quốc đảo này và khách du lịch khi đến đây đều hài lòng với phương tiện giao thông công cộng hơn so với 20 đô thị khác.
Các loại hình giao thông tại Singapore bao gồm: Taxi, xe bus, tàu điện ngầm (Mass Rapid Transit - MRT), Trishaw (một loại giống xích lô tại Việt Nam), Tàu, Thuyền. Trong đó có 2 loại phương tiện công cộng được sử dụng chính ở Singapore là MRT và xe bus. Có thể nói, khi sử dụng những phương tiện giao thông công cộng này, du khách có thể đến bất cứ nơi đâu trên đất nước Singapore mà không có điều gì phải bận tâm.
Phần lớn cư dân Singapore chọn tàu điện ngầm (MRT) là phương tiện đi lại chủ yếu, bởi giá cả rất phù hợp (được chính phủ ưu đãi) và mạng lưới các trạm dừng phủ khắp toàn thành phố. Tuy nhiên, để có thể di chuyển đến các nhà ga MRT, hành khách phải đi bộ rất xa xuyên qua các khu cao ốc lớn. Có lẽ vì vậy mà người Singapore cũng được biết đến với tốc độ đi bộ nhanh nhất châu Á khoảng 6km/h.
Du khách có thể mua thẻ trả trước (Ezlink card) để sử dụng trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở Singapore. Giá của thẻ là 15 SGD trong đó có 5 SGD không được hoàn trả nếu không sử dụng. Thẻ này sẽ giúp cho bạn tiết kiệm được chi phí đi lại nếu bạn sống ở Singapore trong một thời gian dài. Tàu điện và các bến tàu của Singapore đều được thiết kế để có thể phục vụ cả người sử dụng xe lăn và người khiếm thị.
Nội quy của các phương tiện giao thông công cộng cũng như các nhà ga, bến tàu, bến xe buýt… đều quy định cấm mang các vật dễ cháy (phạt 5.000 SGD), cấm ăn uống, hút thuốc lá (phạt 1.000 SGD), xả rác bừa bãi (phạt 500 SGD) … Do đó, khi đi du lịch, du khách nên chú ý cẩn thận để tránh việc phải tốn tiền nộp phạt. Bạn luôn được khuyến khích tỏ ra lịch sự khi nhường chỗ cho người già, trẻ em và phụ nữ mang thai trên các phương tiện giao thông công cộng này.
Ý thức giao thông
Khi đặt chân đến Singapore, du khách sẽ rất ngạc nhiên đó là đi trên đường phố mà hầu như vắng bóng tiếng còi xe. Đi trên đường chỉ nghe tiếng lốp xe, tiếng bô độ ùn ùn và tiếng máy xe.
Về độ lịch sự, hay nói chính xác hơn là sự nhường nhịn trong văn hóa lái xe ở trên đường phải nói cũng đạt tới mức độ cao nếu so với ta. Nếu đèn xanh, xe ô tô cứ việc phóng, và không có một ai đi bộ ngang đường làm cản trở cả. Nếu xe rẽ phải, trái mà gặp có người đang đi bộ thì kiểu gì họ cũng dừng lại chờ cho đến khi không còn ai, họ rất chịu khó dừng lại chờ đường thoáng rồi mới lên.
Mặc dù nghe có vẻ họ "thong thả" nhưng hoàn toàn ngược lại. Sau khi dừng lại và an toàn thì xe nào cũng thốc ga phóng rất nhanh. Các ngã 4 khi vừa qua đèn xanh là các xe đạp thốc ga chạy. Không như ở Việt Nam, đèn xanh khoảng 5 giây thì mới có 1, 2 xe ô tô thoát được ngã 4. Cũng như ở Nhật Bản, "họ cũng vội vã nhưng luôn kiên nhẫn chờ đợi ở các ngã tư".
Có điều khác biệt so với ở Nhật Bản là xe ô tô ở Singapore cũng "xào chẻ" nếu cần thiết. Và họ cũng không cần thiết phải xi nhan. Các xe chuyển làn hầu hết là chạy nhanh hơn hẳn các xe khác và quan sát kĩ phía sau rồi mới chuyển làn. Tương tự hầu như khi quẹo đều phải vào làn đường quẹo nên cũng không cần thiết phải xi nhan. Khi quẹo sang đường khác hoặc đường nhỏ thì họ cũng chạy như ở ngoài đường lớn, không cần giảm tốc.
Trên đường rất ít xe máy, nếu có thì xe máy còn chạy nhanh hơn xe ô tô nên hầu như không gây cản trở. Và vì ít xe máy thế nên những xe ô tô chạy cũng rất nhanh, 70-80 km/giờ là chuyện thường ngay ở những khu trung tâm đông người.
Luật giao thông của Singapore đơn giản, biển báo ít, chạy rất dễ chẳng khó khăn gì. Họ chạy xe rất nhanh nhưng ít tai nạn vì tất cả đều tuân thủ luật giao thông tuyệt đối, giữ khoảng cách an toàn. Ở mọi con đường, ngóc ngách lớn nhỏ không hề có một cảnh sát giao thông nào cả vì họ không “đứng đường” như ở ta mà toàn ngồi ở văn phòng máy lạnh theo dõi các giao lộ qua camera.
Các làn xe không phân biệt ô tô, xe máy, len lỏi đi làn nào cũng được.
Singapore phạt nặng vi phạm giao thông
Ở Singapore, người ta phạt rất nặng cho các lỗi vi phạm giao thông. Từ vài trăm cho đến cả vài ngàn đô la Sing (SGD) tùy mức độ.
Lương của họ trung bình là bao nhiêu một tháng? Trung bình chỉ khoảng 3000-4000 SGD thôi, bị phạt một lần vài trăm đô thì hết 1/10 lương tháng, tính ra bằng tiền ăn (tầm tầm) của một người trong tháng đó rồi. Dân họ xót không? Xót. Nhưng dân họ đồng tình không? Có.
Cũng có người kêu ca mức phạt cao nhưng đa số là đồng tình vì chính vì biện pháp cứng rắn đó mà hiện nay giao thông ở Singapore ở mức "tốt". Ít tai nạn, đặc biệt là tai nạn chết người thì hiếm, kẹt xe cũng có vào giờ cao điểm nhưng giải quyết rất dễ vì đa số dân họ tự ý biết để theo tín hiệu điều khiển tự động, chứ ít khi thấy bóng cảnh sát giao thông.
Ngoài ra, khạc nhổ phạt 500SGD, vứt rác 500 SGD, hút thuốc hay chơi với lửa ở những nơi công cộng (ga tàu, trên tàu xe) từ 1000 SGD cho đến 5000 SGD.
Gây cản trở giao thông của "số đông" ví dụ như nghịch các thiết bị cảnh báo, qua đường không đúng chỗ, nếu cảnh sát giao thông hoặc nhân viên quản lý túm được, hoặc bị tố cáo mà có nhân chứng, vật chứng rõ ràng thì phạt từ 2000 SGD đến có thể cả chục ngàn SGD, chưa kể bị phạt tù, đánh roi...
Có những quy định phạt nặng như vậy nên hầu như những người dân và kể cả những khách du lịch nước ngoài khi đến Singapore đã duy trì được trật tự công cộng, ý thức cộng đồng.
Giao thông không tiền mặt tại Singapore
Singapore mới công bố kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông hoàn toàn không dùng tiền mặt vào năm 2020. Để sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe bus hay taxi, hàng triệu lượt người Singapore chỉ cần chạm chiếc thẻ tích điểm của mình tại điểm vào và ra của các trạm giao thông hoặc máy đọc thẻ trên xe bus.
Loại thẻ này có thể được nạp tiền tại các điểm bán vé tự động, ATM, cây xăng, cửa hàng tiện lợi bằng thẻ tín dụng hay bằng tiền mặt. Tuy nhiên, theo thông báo của Cơ quan quản lý giao thông Singapore, nước này sẽ dừng việc sử dụng tiền mặt để nạp tiền cho loại thẻ trên vào năm 2020.
Để hiện thực hóa điều này, một loạt các sáng kiến đã được công bố. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải Singapore hợp tác với MasterCard đã thí điểm hệ thống thanh toán vé tàu điện và xe bus bằng cách sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.
Họ cũng khuyến khích người tham gia giao thông hạn chế dùng tiền mặt để nạp thẻ tích điểm bằng cách mở rộng các lựa chọn thanh toán như PayLah, Apple Pay và Android Pay.
Một biện pháp khác là xóa bỏ dịch vụ nạp tiền mặt tại các trung tâm dịch vụ hành khách của trạm tàu điện ngầm sẽ được thực hiện dần dần với 11 trạm kể từ ngày 01/9/2017.
Theo một nghiên cứu của cơ quan Tiền tệ Singapore, các chi phí xã hội khi phụ thuộc nặng nề vào tiền mặt và séc sẽ chiếm khoảng 0.5% GDP (tương đương 2 tỷ SGD). Với tỷ lệ người tham gia giao thông công cộng rất cao, việc không sử dụng tiền mặt sẽ góp phần giảm đi phí tổn này. Nó cũng thể hiện một xu hướng rõ ràng tại đất nước này là trở thành một xã hội thanh toán không dùng tiền mặt.
Singapore là một điểm đến rất tuyệt vời, và một ai đã từng đến đây, từng được chứng kiến cuộc sống, văn hóa, đặc biệt là văn hóa tham gia giao thông của những người dân hiền hòa, thân thiện thì sẽ rất yêu quý đất nước xinh đẹp này. Du khách hãy đặt cho mình một tour Singapore của Viet Viet Tourism để có cơ hội khám phá nhiều điều thú vị về xứ sở này nhé!
Tin mới
- Nasi lemak - món điểm tâm được ưa thích ở Singapore - 19/01/2018 12:51
- Hương vị "ngất ngây" của món Súp cá Katong Laksa ở Singapore - 19/01/2018 12:49
- Cùng tận hưởng ngày Valentine khi du lịch Singapore - 19/01/2018 12:38
- Sự ma mị của Lễ hội Halloween tại Universal Studio Singapore - 29/12/2017 06:47
- Tham dự lễ hội thu hoạch Pongal đặc sắc ở Singapore - 29/12/2017 05:24
Các tin khác
- Những món ăn kỳ lạ nên thử qua khi du lịch Singapore - 22/11/2017 06:00
- Khám phá 11 khu ẩm thực nổi tiếng nhất ở Singapore - 21/11/2017 14:30
- Cùng "lạc lối" không muốn về tại khu ẩm thực Lau Pa Sat ở Singapore - 21/11/2017 13:20
- Tham gia lễ hội Chingay Parade vui nhộn ở Singapore - 21/11/2017 11:08
- Du lịch Singapore đừng quên thưởng thức những món ăn sáng đặc trưng - 21/11/2017 08:57